Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_phòng_thủ_Mozdok-Malgobek

Tổng tổng thống Liên Bang Nga trao bằng chứng nhận "Vinh danh Thành phố quân sự" cho đại diện người dân Malgobek, ngày 7 tháng 11 năm 2007

Chiến dịch phòng thủ Mozdok-Malgobek đã gây cho Tập đoàn quân xe tăng 1 những tổn thất nặng nề hơn cả Trận Rostov (1941). Các số liệu thống kê thiệt hại ít nhất cũng cho thấy có đến gần 10.000 sĩ quan và binh lính chết và bị thương, khoảng 140 đến 150 xe tăng bị phá hủy. Cụm tập đoàn quân A đã không đạt được mục tiêu nhiệm vụ bao vây và tiêu diệt các tập đoàn quân Liên Xô tại khúc cong của sông Terek như Hitler đã hoạch định.

Những thất bại của Tập đoàn quân 1 (Đức) có nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, phải kể đến việc triển khai đến bốn sư đoàn xe tăng trong một thung lũng hẹp, chỉ có duy nhất một hành lang ra vào và được quân đội Liên Xô gài sẵn thế trận phòng thủ ở phía Tây khu vực Grozny - Ordzhonikidze là một sai lầm về chiến thuật. Về chiến lược, Cụm tập đoàn quân A có binh lực hạn chế hơn so với Cụm tập đoàn quân "B" nhưng lại phải tác chiến trên một chính diện rộng hơn. Địa hình đồng bằng Kuban và thảo nguyên Kalmyk đúng là khá thuận lợi cho các hoạt động của xe tăng, cơ giới và không quân. Nhưng sau khi đánh thiệt hại đáng kể các tập đoàn quân Liên Xô, buộc họ phải lùi về phòng thủ trên các triền núi và tiếp tục truy kích đến chân dãy Kavkaz thì quân Đức đã mất đi lợi thế về địa hình. Vì không đủ binh lực khi chính diện tấn công mở rộng, Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) đã phải đưa gần như toàn bộ đội hình lên tuyến trước. Tại phía sau chỉ có những binh đội tuần tiễu, chủ yếu được sử dụng để bảo vệ tuyến vận tải quan trọng nhất (đường sắt)..[15]

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng thất bại của Tập đoàn quân xe tăng 1 tại Bắc Kavkaz là do nó phải tác chiến đơn độc trên một hướng chiến lược riêng và cách xa hậu cứ, hầu như không nhận được sự chi viện nào đáng kể của Tập đoàn quân 17 đang sa vào các trận đánh có tính địa phương trên các triền núi phía Tây Bắc dãy Kavkaz. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, không quân Đức phát huy được vai trò yểm hộ tích cực và có hiệu quả cho xe tăng trên mặt đất khi chiến sự chủ yếu đang diễn ra ở phía Nam đồng bằng Kuban và hạ lưu sông Terek. Nhưng đến khi Tập đoàn quân xe tăng 1 chuyển hướng tấn công chủ yếu sang phía Tây khu vực Grozny - Ordzhonikidze, nơi có nhiều đồi núi và rừng cây thì hiệu quả đó bị giảm nhiều. Ngoài ra, một lực lượng đáng kể không quân ném bom và cường kích bị hút và hướng Stalingrad cũng làm giảm đánh kể sự yểm hộ từ trên không đối với lực lượng xe tăng.[16]

Về hậu cần đảm bảo, một tập đoàn quân xe tăng đông đảo như Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) cần được bảo đảm một khối lượng tiếp tế hậu cần lớn hơn nhiều so với một tập đoàn quân bộ binh. Trong đó, việc tiếp tế xăng dầu, đạn dược (chủ yếu là đạn pháo tăng) các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, các phụ tùng thay thế trở thành một hoạt động sống còn. Nhưng với chỉ duy nhất một con đường sắt có chất lượng kỹ thuật thấp và năng lực lưu thông hạn chế như tuyến đường Rostov - Makhachkala thì không thể đảm bảo cho tập đoàn quân ấy có đủ khí tài và đạn dược để duy trì sức chiến đấu trong một chiến dịch kéo dài.[17]